Quy Trình Xử Lý Nước Ao Nuôi Tôm Đúng Nhất

27 THG03
528 lượt xem

Nuôi tôm là nuôi nước. Đối với người nuôi tôm, xử lý nước nuôi tôm là quy trình rất quan trọng. Bà con phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực tiễn để xử lý nước thật tốt suốt quá trình nuôi.

Bài viết dưới đây VFT Group sẽ phân tích và chia sẻ về quy trình xử lý nước ao nuôi tôm chuẩn nhất, bà con có thể tham khảo thêm nhé!

Quy trình xử lý nước ao nuôi tôm trước khi thả

1/ Xử lý cho từng loại ao

  •  Ao đất  

Sau đây là các bước để cải tạo ao đất:

  • Bước 1 Lấy mẫu đất: Đất chia thành 2 loại đất kiềm và đất axit (đất chua, đất phèn, đất trung tính). Đất kiềm ở vùng có đá vôi, đất phèn ở ven biển. Bà con dùng máy đo chuyên dụng để phân tích độ pH nhé. (Bước này chỉ thực hiện khi lần đầu thả tôm)
  • Bước 2 Xới đất đáy ao: Đối với ao đã từng nuôi qua nhiều vụ, bà con bơm nước ra khoảng 50cm, sau đó xới kỹ các lớp đất dưới đáy ao để loại bỏ các chất thải, bùn bã của các vụ nuôi trước. Còn đối với ao chưa nuôi thì nên xới đất sâu hơn để loại bỏ các loại 2 mảnh, cá tạp ẩn dưới. Ngoài ra khi xới lớp đất lên sẽ làm cho khí độc tích tụ ở dưới mặt đất thoát ra ngoài cũng như giải phóng các chất dinh dưỡng dưới đáy ao lên. Cuối cùng khi hoàn thành thì bơm nước và bùn bã ra ngoài
  • Bước 3 Bón vôi phơi đáy: Sau khi bơm hết bùn bã ra ngoài, bà con rải vôi sử dụng CaO với liều lượng từ 30 – 60 kg/1000m2. Kế đến, bà con phơi khô đáy khoảng 4-5 ngày để đất nứt ra. Độ cứng của đất vừa đủ để chịu được trọng lượng của một người, không bị lún quá 5 cm khi đứng trên bề mặt là đủ tiêu chuẩn.
  • Bước 4 Diệt tạp và khuẩn: Sau khi phơi ao, bà con bơm nước vào đủ để tiến hành diệt tạp và khuẩn. Tối ưu nhất là sử dụng Chlorine với liều lượng 25-30ppm.
Người nông dân nạo vét bùn đáy ao để loại bỏ các mầm bệnh tiềm tàng
Người nông dân nạo vét bùn đáy ao để loại bỏ các mầm bệnh tiềm tàng

 

  • Ao bạt 

Trường hợp ao mới nuôi vụ đầu, làm phẳng đáy ao và phơi khô đáy ao. Chú ý đầm nén kỹ bờ ao, nền đáy để nghiêng về cống thoát nước. Không vuốt bạt quá sát nền đáy, chuẩn bị ít nhất 4 ống thoát khí nối từ đáy ống lên bờ, tránh hiện tượng khí tích tụ dưới đáy làm bạt bị phồng lên khi bơm nước vào ao.

Trường hợp ao nuôi đã từng nuôi tôm, sau khi thu hoạch cần tiến hành chà rửa bạt thật kỹ, dùng bơm xịt cao áp để rửa sạch các loại bùn bã cặn bẩn, rong rêu bám trên bề mặt bạt rồi tiến hành chà bạt. Sau khi rửa xong để kỹ hơn bà con có thể rải vôi phơi khô 5 ngày. Lưu ý: một số bà con thường dùng chlorine để chà bạt nhưng hãy cẩn thận vì độc tính của  Chlorine. Đối với trường hợp sợ đáy ao bạt bị xê dịch khi chà rửa thì bà con có thể dùng các bao cát để lèn cố định

2/ Chuẩn bị nguồn nước

1/ Xử lý nước tại ao lắng

Trước khi cấp nước trực tiếp vào ao nuôi bà con nên cấp vào 1 cái ao lắng
Trước khi cấp nước trực tiếp vào ao nuôi bà con nên cấp vào 1 cái ao lắng

Đầu tiên khi cấp nước nguồn vào ao lắng sẽ phải qua lưới lọc (cotton 2 lớp, dài khoảng 8-10m) bịt vào miệng ống cấp để hạn chế rác và ngăn chặn sinh vật xâm nhập.

Đối với ao lắng dùng lần đầu, cần tiến hành chạy quạt liên tục từ 2-3 ngày để cho các ấu trùng loài giáp xác, 2 mảnh và cá tạp nở. Sau đó, bà con ngâm ao để cho các chất hữu cơ lắng xuống đáy ao và bắt đầu phân hủy từ 3-5 ngày. Trong lúc chờ, bà con có thể tiến hành bước diệt tạp ở bên dưới

Có thể chạy quạt nước để cấp thêm oxy nhằm thúc đẩy quá trình phân huỷ của các vật chất hữu cơ.

  • Diệt tạp
Mở quạt nước kích thích trứng các loài cá tạp, 2 mảnh, cua ốc nở
Mở quạt nước kích thích trứng các loài cá tạp, 2 mảnh, cua ốc nở

Tiến hành diệt tạp bằng saponin:

Saponin: được sản xuất từ cây bã trà có tác dụng diệt cá nhưng không gây hại cho tôm. Phương thức hoạt động là ngăn cản quá trình hô hấp của cá. Cách sử dụng: ngâm saponin 1 ngày sau đó tạt xuống ao vào lúc 4 – 6 giờ sáng. Về lưu lượng dùng 10-15kg cho 1000m3 với độ mặn trên 20‰ và 15-20kg cho 1000m3 với độ mặn dưới 20‰. Lưu ý, phải tuân thủ liều lượng saponin khi dùng vì khi vượt quá lượng tồn dư có thể ảnh hưởng đến quá trình tôm lột vỏ, phải ngâm ao 3 ngày từ khi diệt tạp mới được thả tôm hay cấp nước vào ao nuôi để saponin bay hơi hết. Nếu sản phẩm thuốc diệt tạp chỉ chứa saponin tự nhiên, không pha thêm hóa chất độc hại, thì cá sẽ chết sau khoảng 3 – 4 giờ.

  • Diệt khuẩn nước

Khoảng 2 ngày sau khi diệt tạp, tiến hành diệt khuẩn cho ao để khử mầm bệnh gây hại trong ao nuôi. Một số chất diệt khuẩn thường dùng hiện nay như TCCA, Chlorine, BKC, Iodine, PVP-Iodine, KMnO4,…

+ Trong đó, Chlorine được sử dụng phổ biến nhất hiện nay vì có thể tiêu diệt hầu hết các vi khuẩn virus nguy hiểm, khi kiểm tra thấy độ pH thấp hơn 7.5 thì dùng Chlorine với liều lượng 25-30ppm để diệt khuẩn, có thể điều chỉnh tùy vào hàm lượng chất hữu cơ và độ pH trong nước. Bà con cần phải lưu ý khi sử dụng Chlorine phải đeo găng tay và khẩu trang do chất này khá độc khi hít vào hay bị dây lên da. Khi đổ nước vào Chlorine hòa tan nên đổ từ từ nếu đổ nhanh có nguy cơ làm nổ.

+ Thuốc tím (KMnO4): dùng để diệt khuẩn, ký sinh trùng và nấm, được bà con dùng nhờ tác dụng nhanh chỉ sau 3 giờ. Bà con tạt đều thuốc tím khắp ao nuôi 4-5kg/1000m3 và mở quạt để hòa tan cho đều khắp ao. Sau khi dùng phải phơi ao 1-3 ngày để lượng tồn dư thuốc tím bay hơi đi

+ Ở các vùng nuôi bị hoại tử gan tụy cấp tính thì dùng BKC liều lượng 0,3ppm. Formol thì không bền và không an toàn cho sức khỏe của người dùng.

2/ Chuyển nước từ ao lắng vào ao nuôi

Bà con nên sử dụng 1 túi lọc trước khi cấp nước vào ao nuôi tôm
Bà con nên sử dụng 1 túi lọc trước khi cấp nước vào ao nuôi tôm

– Sau khi nước trong ao lắng đã được diệt khuẩn thì tiến hành bơm nước sang ao nuôi chính để chuẩn bị gây màu nước. Mực nước ao lý tưởng có độ cao từ 1,3m – 1,4m là phù hợp để tôm sinh trưởng và phát triển.

– Quá trình bơm nước từ ao lắng qua ao nuôi nên sử dụng vải kate hoặc túi lọc thật kỹ để loại bỏ các tạp chất, địch hại và vật chủ trung gian gây bệnh còn sót lại.

– Khi cấp nước vào ao bà con tiến hành gây màu nước tảo khuê, bà con có thể áp dụng rất nhiều biện pháp khác nhau như dùng phân bón hóa học để kích tảo, dùng cám gạo bột đậu nành để tạo màu hay dùng men vi sinh để gây màu tảo.  

  1. Dùng vi sinh Bio Active là cách gây màu nước nhanh và hiệu quả nhất chỉ trong vòng 6 tiếng, Bio Active giúp duy trì mật độ tảo khuê trong ao, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm giống. Đồng thời xử lý các lợn cợn cũng như khí độc trong ao nuôi, hạn chế tảo độc phát triển
  2. Dùng phân vô cơ: Lượng phân bón là 2 – 8kg P2O5/ha và 1 – 2kg N/ha. Lựa chọn dễ nhất là DAP (18 – 47 – 0) với mật độ bón 10 – 20kg/ha trong khoảng thời gian 2 – 4 tuần. Lượng tảo sẽ tăng 2 – 10 lần so với ao không được bón phân. Chú ý không được bón nhiều, vì tảo sẽ bùng phát quá mức cần thiết, gây bất lợi.
  3. Dùng cám gạo, bột cá và bột đậu nành theo tỷ lệ 2:1:2 sử dụng 3-4kg hỗn hợp trên cho 1000m3. Nấu chín hỗn hợp trên rồi ủ 2-3 ngày, xong bà con tạt đều khắp ao. 7 ngày sau tạt lại để ổn định màu nước, chỉ cần dùng 1 nửa so với lượng ban đầu.
  • Lưu ý: Để gây màu nước hiệu quả, bà con cần phải kiểm tra lượng chất dinh dưỡng cho tảo trong ao nuôi (N/P), độ pH, độ mặn, lưu lượng hóa chất diệt khuẩn tồn dư,… Khi nước trong quá hay đục quá sẽ không thể khiến tảo khuê sinh sôi được.

3/ Cách xử lý nước ao nuôi tôm trong suốt quá trình nuôi

Trong suốt quá trình nuôi tôm, chất lượng nước trong ao sẽ biến đổi liên tục tới từ các yếu tố tự nhiên, sinh vật trong ao nuôi và kể cả từ con người . Sau đây là các trường hợp nước ao biến động mà bà con thường gặp nhất và cách xử lý nước ao nuôi tôm.

1/ Nước ao nuôi bị đục

  • Nguyên nhân nước ao nuôi bị đục

– Yếu tố tự nhiên: 

+ Do trời mưa kéo dài sẽ cuốn trôi đất quanh bờ ao xuống đáy làm vẩn đục nước.

+ Do chất thải từ tôm trong ao nuôi tích tụ quá mức dẫn đến ao bị đục.

+ Bên cạnh đó, tảo trong ao phát triển quá mức sinh ra hiện tượng tảo tàn là nguyên nhân khiến ao nuôi bị đục. 

– Yếu tố con người: 

+ Quá trình cải tạo ao, bà con không vệ sinh ao sạch và vét hết bùn đáy ao.

+ Trước khi nuôi, sử dụng vôi kém chất lượng, chứa nhiều tạp chất khiến nước ao bị đục hay sử dụng lượng vôi để cắt tảo quá liều lượng dần dần tích tụ đáy ao tạo thành những lợn cợn.

+ Việc cho tôm ăn nhưng không kiểm soát liều lượng gây ra tình trạng thức ăn dư thừa quá nhiều (phần lớn là thức ăn công nghiệp) khi phân hủy chúng trở thành 1 lớp bùn ở dưới đáy ao. 

+ Ao quá cạn mà quạt nước chạy mạnh làm cho dòng chảy xới lớp bùn đất đáy ao lên khiến nước trong ao nuôi bị đục.

  • Cách xử lý nước ao nuôi tôm bị đục
  1.  Ao nuôi đục do bùn đất hoà tan, hạt lơ lửng quá nhiều: bà con có thể sử dụng men vi sinh Bio Active đã nói ở trên để xử lý. Sau khoảng nửa ngày các hạt lơ lửng sẽ lắng tụ xuống đáy ao, lúc này bà con bắt đầu xả xi phông để đẩy lượng bùn ra khỏi ao rồi tiến hành cấp nước mới từ ao lắng vào. Để có hiệu quả cao trước khi xi phông dành cho ao bạt, bà con nên sử dụng vi sinh xử lý đáy Aqua trước 1 ngày. Điều đó giúp hỗ trợ phân hủy các hợp chất bùn đất hữu cơ và gom lại hố xi phông dễ dàng hơn. 
  2. Nước ao đục do sụp tảo: bà con bón vôi nóng hoặc dùng vi sinh Aqua vào 9-10 giờ đêm để cắt tảo. Sau đó đánh vi sinh Bio Active 9-10 giờ sáng để gây màu nước và cân bằng lại hệ sinh thái ao nuôi.
  3. Nước ao bị đục do quá nhiều thức ăn dư thừa, phân tôm, vỏ tôm: bà con nên tiến hành xi phông và kết hợp với men vi sinh Aqua như nói ở trên để có hiệu quả xử lý tối ưu nhất.

—-> Để biết thêm chi tiết cách cắt tảo bà con có thể tham khảo ở bài viết sau: Cách xử lý nước đục trong ao tôm

Chế phẩm sinh học Aqua với khả năng phân hủy bùn bã hữu cơ và xử lý khí độc trong ao nuôi tôm một cách nhanh chóng. Là 1 trợ thủ đắc lực cho bà con
Chế phẩm sinh học Aqua với khả năng phân hủy bùn bã hữu cơ và xử lý khí độc trong ao nuôi tôm một cách nhanh chóng. Là 1 trợ thủ đắc lực cho bà con (click vào ảnh để xem sản phẩm chi tiết)

2/ Nước ao nuôi có nhiều mảng bọt trắng lâu tan

  • Nguyên nhân xuất hiện bọt trắng trong ao nuôi

– Do lượng khí độc H2S nổi lên mặt nước tạo bọt trắng lâu tan, gây thiếu oxy hòa tan trong ao.

– Do tảo tàn khiến ao nuôi có bọt trắng xuất hiện làm chất lượng nước xấu đi, các bọt trắng này rất lâu tan dù có chạy quạt nước liên tục.  

  • Cách phòng ngừa ao nuôi có nhiều mảng bọt trắng lâu tan

– Kiểm soát tốt các yếu tố môi trường nước, duy trì mật độ tảo thích hợp trong ao.

– Không để lượng thức ăn tích tụ quá lâu quá nhiều, phát hiện thức ăn thừa nhiều thì cắt giảm khoảng 50% thức ăn cho đến khi môi trường nước ổn định trở lại. Để tránh tình trạng giảm thức ăn làm tôm không kịp về size thì bà con có thể sử dụng men vi sinh Mipe trộn với thức ăn. Công dụng của men vi sinh này giúp cho tôm hấp thụ thức ăn tốt hơn, nhờ đường ruột khỏe và mau về size. Ngoài ra, còn làm giảm lượng thức ăn xuống 24% so với bình thường, tăng khả năng cạnh tranh nhờ cắt giảm chi phí nuôi.

– Kết hợp sử dụng men vi sinh Bio Active để cân bằng nước ao nuôi, giữ màu nước ổn định và giảm thiểu bệnh gây hại cho tôm.

– Luôn duy trì chạy quạt để đảm bảo cung cấp đủ oxy cho quá trình phân hủy xác tảo và thức ăn thừa. 

  • Cách xử lý nước ao nuôi tôm có nhiều mảng bọt trắng lâu tan

– Khi phát hiện ao nuôi có nhiều bọt trắng lâu tan như khí độc H2S và NH3, thì bà con sử dụng men vi sinh Bio Active để giảm bớt hàm lượng khí độc của NH3, NO2, H2S trong ao nuôi hiệu quả.

– Giảm một nửa lượng thức ăn thường ngày để hạn chế thức ăn thừa và khí độc phát sinh. 

– Do tảo tàn thì nên vớt và kết hợp sử dụng men vi sinh xử lý đáy Aqua để làm sạch môi trường ao nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường chạy quạt để cung cấp oxy cho tôm.

—-> Tham khảo chi tiết bài viết: Ao tôm bị bọt nhiều

3/ Bạt nuôi tôm có nhiều váng nhớt

  • Nguyên nhân ao có váng nhớt

– Thức ăn thừa nhiều hòa tan vào nước tạo ra những lớp màng nhầy làm nhớt nước.

– Hiện tượng nhớt trong ao nuôi tôm cũng xuất phát do phân tôm, vỏ tôm sau khi lột xác cùng với các chất dinh dưỡng phân hủy tạo ra.

– Nhiều hạt lơ lửng, phù sa, các loài tảo độc chưa qua lắng lọc đã đưa vào ao nuôi.

  • Phương pháp xử lý ao có váng nhớt

– Chà bạt thủ công: Rất sạch nhớt bạt nhưng tốn nhiều công sức, chi phí, mất thời gian và không đem tới hiệu quả cao. Chỉ dùng sau khi đã xong vụ nuôi.

– Xi phông đáy ao để loại bỏ chất bẩn, bùn đáy

– Việc sử dụng vi sinh xử lý nhớt ao bạt Bibafu sẽ giúp cho bà con tiết kiệm chi phí và có hiệu quả chỉ sau nửa ngày. Bà con dùng 1 lọ 500g hòa với 25L nước sạch rồi tạt đều xuống ao khoảng 1000m3 nước, sử dụng vào lúc 18-20h để có hiệu quả tốt nhất.

Bibafu gold với công nghệ nuôi cấy vi sinh có khả năng khử sạch nhớt ao bạt chỉ sau 1 nhịp
Bibafu gold với công nghệ nuôi cấy vi sinh có khả năng xử lý nhớt ao bạt chỉ sau 1 nhịp (click vào ảnh để xem sản phẩm chi tiết)

Tầm quan trọng xử lý nước ao nuôi tôm trước khi thả

Một môi trường nuôi tôm tốt là nguồn nước có các chỉ số nước đạt tiêu chuẩn, khi nuôi được con nước tốt góp phần tôm khỏe nuôi về cuối vụ. Nếu nguồn nước ô nhiễm, không phải điều kiện tốt nhất cho tôm sinh trưởng sẽ làm tôm dễ mắc bệnh, phát triển chậm, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng khi thu hoạch.

Vậy là bài viết này đã cho bà con biết quy trình xử lý nước ao nuôi tôm đúng nhất. Mong rằng bài viết này hữu ích và bà con có thể ứng dụng được vào thực tế. Nếu bà con còn thắc mắc hoặc gặp khó khăn trong quá trình thực hiện bà con hãy liên hệ với VFT Group qua HOTLINE: 091 685 9166  ngay nhé!

Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Công Nghệ Thủy Sản Việt Nam
Fanpage: https://www.facebook.com/visinhthuysanvftgroup
Youtube: https://www.youtube.com/@VFTGroupthuysan
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vft.group.thy.sn