Hướng dẫn cách diệt cá tạp trong ao nuôi tôm không để lại tồn dư

06 THG09
755 lượt xem

 

Diệt cá tạp trong ao nuôi tôm luôn là bước cần thiết ngay từ giai đoạn đầu vụ nuôi, để diệt sạch hoàn toàn và không để lại tồn dư bà con cần hiểu về loại thuốc mình dùng. Nội dung bài viết dưới đây của VFT Group sẽ bật mí tất tần tật cho bà con vài dòng sản phẩm diệt tạp thịnh hành trên thị trường.

Cá tạp trong ao nuôi tôm là gì?

Ảnh minh họa cá tạp trong ao nuôi tôm
Ảnh minh họa cá tạp trong ao nuôi tôm

Cá tạp là chỉ những loài cá không mang lại giá trị kinh tế. Chúng gây ảnh hưởng lớn đến vụ nuôi cho nên bà con luôn xử lý trước khi bắt đầu mỗi mùa vụ. Cá tạp được phân thành 2 loại chính:

1/ Cá nhỏ không có giá trị kinh tế: Những loại cá này không được nuôi để bán hoặc tiêu thụ.

2/ Cá gây hại: đây là các loại cá lớn gây hại cho tôm bằng cách cạnh tranh nguồn thức ăn, là vật chủ mang mầm bệnh hoặc tệ hơn là ăn chính tôm.

Đối với ao mới chưa nuôi bao giờ, cá tạp có thể ẩn dưới các lớp đất, nếu chỉ bón vôi, phơi nắng ao thông thường sẽ để sót. Còn đối với ao đã nuôi qua nhiều vụ, ao bạt thì sẽ thường gặp cá tạp tới từ nguồn nước cấp bên ngoài và túi lọc bị thủng/rách mà không biết.

Vào mùa mưa, những lúc có gió lốc có thể cuốn cá tạp vào ao nuôi mà bà con không biết. Những trường hợp như này thường gây thiệt hại cho những người nuôi tôm. Chúng ta cùng tìm hiểu xem tác hại của cá tạp như thế nào ở bên dưới nhé.

Tác hại của cá tạp trong ao nuôi tôm

Ảnh minh họa cá ăn tôm
Ảnh minh họa cá ăn tôm

Khi đã hiểu được các tác hại của cá tạp trong ao thì bà con sẽ hiểu được lý do tại sao cần phải tiêu diệt triệt để chúng. Mời bà con xem qua phần tác hại nhé!

Đa phần các loài cá tạp trong ao thường cạnh tranh môi trường sống với tôm, nếu không có cách xử lý, qua thời gian chúng sẽ sinh sôi mạnh mẽ gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tôm. Trong ao nuôi có cá tạp thì thường tôm sẽ còi cọc, chậm lớn vì tôm sẽ thiếu hụt đi chất dinh dưỡng do cá tạp cạnh tranh thức ăn với tôm.

Ảnh hưởng đến số lượng tôm: Nếu cá tạp xuất hiện quá nhiều với số lượng báo động, tôm có thể sẽ trở thành thức ăn của chúng. Do vậy mà số lượng tôm sẽ suy giảm, nhưng bà con sẽ khó có thể phát hiện vì lượng thức ăn vẫn được tiêu thụ như bình thường.

Nguồn lây nhiễm mầm bệnh: Theo nhiều chuyên gia xem xét, bà con nên cần có phương pháp diệt cá tạp trong ao nuôi tôm vì nó sẽ mang theo mầm bệnh nguy hiểm như nấm, virus, ký sinh trùng,… Các mầm bệnh này thường có vật chủ trung gian, qua thời gian chúng sẽ thâm nhập vào cơ thể tôm và sinh ra các bệnh như đốm trắng, bệnh phân trắng,… Đây là các bệnh nguy hiểm vì sẽ đe dọa đến tỷ lệ sống của tôm.

Ảnh hưởng đến thông số môi trường nước: Hầu hết các loài cá tạp và những loài tạp khác như ốc, vẹm, trai, hàu đều thích ăn tảo trong ao nuôi, hấp thụ muối cabotnat kèm khoáng chất để tạo vỏ. Vì lý do này mà độ kiềm trong ao bị suy giảm, thiếu hụt khoáng trong nước dẫn đến quá trình lột vỏ của tôm gặp nhiều khó khăn, bị mềm vỏ. Ngoài ra khi nguồn khoáng chất trong trong ao không đủ cung cấp cho tôm, sức khỏe của chúng sẽ yếu hơn bình thường và dễ bị mầm bệnh xâm nhập.

Hướng dẫn sử dụng các chất dùng diệt cá tạp trong ao nuôi tôm

Quá trình diệt tạp thường được xử lý trước thả giống và trong ao lắng xuyên suốt vụ nuôi. Tuy nhiên, có vài trường hợp cá tạp xuất hiện trong lúc nuôi như nói ở trên thì sẽ mất thời gian để giải quyết hơn. Bà con hãy tham khảo các phương pháp diệt tạp trong 2 trường hợp ngay dưới đây nhé!

Diệt cá tạp trước khi thả giống

Trong giai đoạn này, bà con tiến hành diệt cá tạp theo các bước như sau:

– Bước 1: Bắt đầu cải tạo ao nuôi thật kỹ lưỡng trước khi bà con bắt đầu thả giống, trong thời gian này thì nên sử dụng vôi để bón và phơi đáy ao để tiêu diệt các loài giáp xác, cá tạp trong ao nuôi. Đối với ao chưa nuôi thì nên xới lớp đất lên để loại bỏ những trứng còn sót lại nằm ẩn ở dưới

– Bước 2: Sau đó cấp nước vào ao nuôi, thông thường sẽ sử dụng túi lọc để loại bỏ cá tạp và các loài giáp xác có khả năng sót lại xâm nhập vào ao nuôi.

– Bước 3: Tiến hành khởi động giàn quạt nước chạy từ 3 – 5 ngày để trứng và ấu trùng nở. Sau đó sử dụng Chlorine (nói ở bên dưới) với liều lượng cho phép từ 25 – 30ppm để tiêu diệt chúng hoàn toàn. Tiếp tục công cuộc chạy quạt từ 10 – 12 ngày để lượng thuốc Clo trong ao giảm đi. Để làm kỹ, bà con dùng Saponin trước rồi sau đó mới dùng Chlorine với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Bước 4: Dùng men vi sinh Bio Active – VFT Group trước khi thả giống để gây màu trà tự nhiên, cân bằng mật độ tảo, tăng mật độ vi khuẩn có lợi, cải thiện nguồn nước ao nuôi, giảm nhanh khí độc trong ao nuôi. Việc sử dụng vi sinh là điều cần thiết bởi vì trước đó đã sử dụng Chlorine sẽ tiêu diệt cả vi sinh vật có lợi và có hại.

*Liều lượng và hướng dẫn sử dụng đúng cách Bio Active

Chỉ với 1 chai Bio Active có ưu điểm vượt trội là không cần ngâm ủ, bà con chỉ cần pha với nước rồi tạt trực tiếp xuống ao sẽ giúp xử lý được 10.000m3  nước ao. Để duy trì độ hiệu quả, bà con sử dụng định kỳ với tần suất 3 – 5 ngày/lần, tùy vào từng công dụng sẽ đánh vào các thời điểm khác nhau như: 

– Để khử nhớt và gây màu thì nên đánh vào buổi sáng khi trời có nắng từ 8 – 10 giờ.

– Để xử lý tảo độc thì đánh vào ban đêm từ 21 – 22 giờ.

Bên cạnh việc dùng trước khi thả nuôi, bà con còn có thể sử dụng xuyên suốt vụ nuôi để ổn định hệ sinh thái ao nuôi cho tôm. Nhờ vào việc này, hệ miễn dịch của tôm sẽ tốt hơn, nhanh về size, bệnh tật ít hơn.

Chú ý: Nên tìm kiếm các loại hóa chất có nguồn gốc, thương hiệu, nhãn mác rõ ràng để tránh mua nhầm hàng giả kém chất lượng. Đồng thời phải tuân theo liều lượng sử dụng phù hợp, nếu không sẽ tồn dư hóa chất gây hại đến tôm khi thả giống.

Các loại hóa chất dùng để diệt tạp thông dụng trên thị trường

Sau đây là 4 loại hóa chất diệt tạp bà con có thể tham khảo:

1/ Rotenon

Ảnh minh họa bột thuốc diệt tạp Rotenone
Ảnh minh họa bột thuốc diệt tạp Rotenone

Rotenon còn được gọi là dây thuốc cá và có khá nhiều ở khu vực Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu,…Ở dây thuốc cá thường sẽ dùng phần rễ để phơi khô nhằm chế thành dạng bột để dùng. Trong đó, rễ dây thuốc cá chứa nhiều hoạt chất Rotenon với công dụng gây độc cho cá. Do đó thường dùng nhiều để diệt cá tạp trong ao với cơ chế gây ngạt, nhưng mức độ độc sẽ ít hơn so với các loài giáp xác.

Cách sử dụng Rotenone

– Để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm, cần phải tán nước cạn ao sao cho độ sâu của nước chỉ dao động từ 5 – 10cm. Sau đó thì mới dùng thuốc ngâm với nước rồi tạt xuống ao với nồng độ khoảng 1ppm (Loại 5% nguyên chất). 

– Rotenone có hiệu quả nhất là khi độ pH trong nước ở mức thấp. Ngoài ra khi ao nuôi có tính kiềm cao thì bà con cần hạ kiềm trước khi sử dụng.

Lưu ý khi sử dụng Rotenone

– Hoạt chất Rotenone sẽ mất đi hoạt tính nếu độ mặn trong ao nuôi càng cao, khi độ mặn trong ao < 10‰ thì mới sử dụng. TRường hợp nếu > 10‰ thì hãy cân nhắc sử dụng loại chất khác

– Trong khi sử dụng Rotenone, bà con không nên sử dụng thuốc tím vì sẽ làm mất đi độc tính sẵn có hoặc còn được gọi là công dụng diệt tạp. Đặc biệt, loại chất này còn dễ dàng phân hủy nhanh nếu để tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. 

– Khi sử dụng Rotenone xong, bà con cần đợi bay hơi hết trước khi thả giống vì dư lượng thuốc sẽ gây chết tôm.

2/ Saponine

Ảnh minh họa bột saponin diệt cá tạp
Ảnh minh họa bột saponin diệt cá tạp

Saponine là hợp chất được chế biến từ rễ dây thuốc cá, hạt chè dại, hạt bò hòn. Chúng còn được biết đến với tên gọi là bột bã trà hoặc Retanon và cũng là phương pháp giúp diệt cá tạp trong ao nuôi tôm phổ biến. Điểm đặc biệt nhất của loại chất này chính là chỉ có tác dụng với cá (động vật máu đỏ) và không ảnh hưởng nhiều đến tôm (động vật máu xanh). Đây là loại thực vật được xay nhỏ, đóng gói và bán trên thị trường dưới dạng bột. Saponine rất dễ sử dụng, chỉ cần pha loãng với nước rồi tạt xuống ao sẽ giúp diệt trừ cá tạp.

Cơ chế hoạt động của Saponine sẽ giúp ức chế hô hấp và ngăn chặn quá trình vận chuyển oxy trong máu cá. Từ đó khi nguồn oxy trong cơ thể chúng không đủ sẽ làm ngạt và chết ngay sau đó. Bà con cần lưu ý khi mua Saponine trên thị trường, vì nếu loại này làm tôm chết ngay thì đều có trộn lẫn chất độc bên trong và sẽ gây nguy hiểm đối với tôm.

Cách sử dụng Saponine

Để nâng cao hiệu quả sử dụng, bà con cần ngâm Saponine trong nước 1 ngày và qua ngày hôm sau lọc lấy nước và bỏ bã rồi tạt xuống ao sau. Thời điểm sử dụng tốt nhất sẽ rơi vào sáng sớm từ 4 – 6 giờ do lượng oxy hòa tan lúc này đang ở mức thấp, đây là điều kiện giúp cá tạp chết nhanh hơn. Liều lượng sử dụng như sau:

+ Nếu độ mặn đạt 10‰ thì nên sử dụng 15 – 20kg/1.000m3 nước ao.

+ Nếu độ mặn dao động từ 10 – 20‰ thì nên sử dụng 10 – 15kg/1.000m3 nước ao.

+ Nếu độ mặn lớn hơn 20‰ thì nên sử dụng 10kg/1.000m3 nước. 

Lưu ý khi sử dụng Saponine

– Tùy vào mỗi loài cá tạp mà liều lượng sử dụng cũng sẽ hơi khác biệt vì đối với những loài cá có cơ quan hô hấp phụ thường sẽ cần liều lượng cao hơn bình thường.

– Chỉ số độ mặn và nhiệt độ trong ao nuôi càng cao thì tác dụng của Saponine càng lớn và ngược lại.

– Tuy nhiên, chỉ số pH càng cao thì tác dụng của Saponine lại giảm.

– Sau khi diệt tạp bằng Saponine thì sau 4 ngày mới được thả tôm vì còn tồn dư lượng chất này trong ao do chất này có khả năng kích thích tôm lột vỏ nhưng vỏ lại không cứng và tôm sẽ chết.

– Khi mua Saponine thì nên tìm hiểu kỹ càng và nên mua ở các công ty uy tín cao và ghi rõ hàm lượng đầy đủ vì hiện nay có khá nhiều sản phẩm giả mạo có hàm lượng rất thấp hoặc hoàn toàn không có. Thay vào đó họ thay thế các chất cấm có độc tố mạnh sẽ gây hại đến sức khỏe tôm.

3/ Chlorine

Chlorine là chất hữu hiệu nhất khi dùng để diệt khuẩn trong ao nuôi tôm
Chlorine là chất hữu hiệu nhất khi dùng để diệt khuẩn và cá tạp trong ao nuôi tôm

Chlorine được dùng ngay cả trong giai đoạn trước khi thả và sau khi thả với mục đích là tiêu diệt các vi sinh vật trong nước. Trong trường hợp sử dụng với liều lượng cao sẽ giúp bà con tiêu diệt cá tạp trong ao nuôi tôm và cả giáp xác. 

Cách sử dụng Chlorine

Liều lượng sử dụng Chlorine sẽ khoảng từ 25 – 30ppm/1.000m3, cần tuân thủ đúng liều lượng để giúp diệt cá tạp hiệu quả.

Lưu ý khi sử dụng Chlorine

– Trong quá trình sử dụng, cần chú ý đến các thông số môi trường nước như độ pH, hàm lượng vật chất lơ lửng trong ao để phát huy tối đa tác dụng.

– Độ pH trong ao tăng cao thì hiệu quả sử dụng sẽ giảm đi rất nhiều.

– Sau khi đã dùng Chlorine thì nên chạy quạt nước để giảm hàm lượng Clo trong ao trong khoảng thời gian từ 10 – 12 ngày thì mới nên tiếp tục sử dụng các sản phẩm khác.

4/ Antimycin A

Antimycin A là chất kháng sinh tự nhiên với chức năng tương tự sẽ ngăn cản quá trình hô hấp của các loài cá tạp. Khi không hô hấp được, cá sẽ chết ngay sau đó. Antimycin A đã được phát hiện từ rất lâu và cho đến nay đã được 20 năm, do có độc tính cao với cá ở nồng độ thấp so với nồng độ gây hại với các loài thủy sinh khác nên đã được sử dụng nhằm diệt cá tạp trong ao nuôi tôm.

Tuy là có độc tính cao như thế đối với cá tạp, nhưng nó sẽ hạn chế gây độc nhiều đối với các loài động vật có vú và dễ dàng phân hủy thành loại không chứa độc tố. Ưu điểm lớn nhất của dòng này là khi sử dụng sẽ có liều lượng thấp, nhờ vậy mà cá tạp khó có thể cảm nhận và lẩn trốn do không màu, không mùi vị.

Cách sử dụng Antimycin A

Thông thường, chất kháng sinh tự nhiên này được sử dụng với liều lượng từ 3 – 10 µg/l. Độc tính đối với cá có vảy sẽ có tác dụng cao hơn cá da trơn vì cá da trơn có thể chịu đựng được với liều lượng ít nhất 20 µg/l. 

Lưu ý khi sử dụng Antimycin A

– Độc tính cao hơn không sẽ tùy thuộc vào điều kiện môi trường như giảm mạnh khi độ pH > 8.5 và ở các khu vực có nhiệt độ thấp. 

– Trên thị trường thì Antimycin A có giá thành nhỉnh hơn Rotenon.

– Tuy nhiên bà con hạn chế sử dụng kháng sinh trong suốt quá trình nuôi vì có thể ảnh hưởng đến giá trị thành phẩm khi thu hoạch do test ra sẽ xuất hiện lưu lượng kháng sinh trong tôm

Diệt cá tạp khi trong ao nuôi có tôm

Trong giai đoạn ao nuôi đang có tôm, bà con không thể sử dụng thuốc diệt tạp trực tiếp xuống mà cần phải tiến hành thu sang tôm qua ao khác để tiến hành diệt tạp rồi mới cho tôm vào lại. Hiện nay, có khá nhiều thông tin trên mạng khuyến khích sử dụng 1 lượng chất diệt tạp để xử lý cá trong ao nuôi, cách đó hoàn toàn không đúng với kỹ thuật nuôi và cũng không được khuyến khích.

Trên đây là tất tần tật về thông tin, cách sử dụng cũng như là lưu ý của các loại chất diệt cá tạp trong ao nuôi tôm. Bà con cần tuân thủ đúng theo liều lượng cho phép để tránh tình trạng không diệt tạp được mà còn ảnh hưởng xấu đến tôm nuôi. Nếu bà con còn thắc mắc về kỹ thuật và sản phẩm vi sinh, xin vui lòng liên hệ đến HOTLINE: 0916 859 166 để được kỹ sư thủy sản VFT Group hỗ trợ giải đáp nhé!

Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Công Nghệ Thủy Sản Việt Nam

– Fanpage: https://www.facebook.com/visinhthuysanvftgroup

– Youtube: https://www.youtube.com/@VFTGroupthuysan

– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vft.group.thy.sn