Rỉ đường hay rỉ mật, mật rỉ, mật rỉ đường là chất lỏng đặc sánh còn lại sau khi đã rút đường bằng phương pháp cô và kết tinh. Nhiều người nghĩ đây là phụ phẩm không có tác dụng gì, nhưng trên thực tế mật đường là một nguyên liệu đầy hữu dụng đối với bà con nông dân đặc biệt nuôi tôm/cá.
Ủ vi sinh với mật đường giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của vi sinh vật trong hỗn hợp lên men. Thành phẩm sau khi ủ có thể dùng để xử lý nước ao nuôi, phòng và trị bệnh cho tôm. VFT Group sẽ chia sẻ chi tiết về quá trình ủ qua bài viết ngày hôm nay.
Mật rỉ đường (Molases) là hợp chất đặc sánh, màu cánh gián đậm hoặc đen tương tự như màu nước đường thắng dùng trong nấu ăn. Đây là sản phẩm phụ của công nghiệp chế biến đường, bao gồm đường mía, đường nho, đường củ cải. Trong đó, phổ biến nhất ở Việt Nam là mật rỉ đường mía.
Đầu tiên, cây mía sẽ được thu hoạch và cắt lá ở phần thân để mang đi ép lấy nước mía. Phần nước mía sau khi ép sẽ được đun sôi và trải qua quá trình cô đặc để tạo thành các tinh thể đường. Sau khoảng 3 lần cô đặc, phần chất lỏng còn lại không thể tạo thành các hạt tinh thể đường có dạng sệt, quánh chính là mật rỉ đường. Thông thường, cứ mỗi 100kg mía lau sẽ sản xuất ra tầm 3 – 4kg mật rỉ đường.
Trong mật rỉ đường có chứa các thành phần dinh dưỡng như Sucrose, Glucose, Fructose và các loại chất khoáng như Calci, Sắt, Magnesium,.. Những gốc đường này có chứa 1 lượng lớn năng lượng cung cấp cho hoạt động hằng ngày của các vi sinh vật.
Mật rỉ đường chứa nhiều dinh dưỡng (đường đơn, khoáng chất, vitamin) sẽ là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Chính vì vậy mà bà con nuôi tôm thường ủ vi sinh với mật đường nhằm tăng nhanh sinh khối. Mật rỉ đường còn giúp việc nuôi cấy vi sinh vật dễ dàng trong cả 2 môi trường hiếu khí lẫn yếm khí. Đây cũng chính là ứng dụng phổ biến nhất của mật rỉ đường trong nuôi tôm.
—->Tham khảo thêm bài viết: Tác dụng của EM trong nuôi tôm
Thông thường, tôm chỉ có thể hấp thu được khoảng 20 – 30% lượng thức ăn đưa vào cơ thể, phần còn lại sẽ bị thải ngược ra môi trường nước ao và dần chuyển hóa thành khí độc NH3, NO2.
Theo nhiều nghiên cứu, có thể dùng Cacbon để kiểm soát các loại khí thải, chất thải chứa Nitơ như NH3 và NO2. Trong khi đó, mật rỉ đường lại chứa đến 40% Cacbon. Vì vậy mà bà con nuôi tôm đã ứng dụng ngay mật rỉ đường vào việc kiểm soát các loại khí độc trong ao nuôi tôm. Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy, cứ 1g Nitơ thì cần 31,25g mật rỉ đường để cân bằng.
Việc duy trì nồng độ pH trong ao nuôi ổn định ở mức 7.5 – 8.5 là rất cần thiết, đảm bảo tốc độ tăng trưởng cũng như gia tăng tỷ lệ sống của tôm. Nồng độ pH trong ao quá cao hoặc quá thấp cũng có thể gây chết tôm.
Trường hợp pH cao, do thực vật phù du và tảo phát triển mạnh. Chúng tiêu thụ lượng lớn CO2 cho quá trình quang hợp của mình, từ đó làm giảm tính axit của nước. Vì thế, bà con sử dụng mật rỉ đường để cung cấp thêm cacbon vào ao nuôi, đồng thời kích thích vi sinh vật có sẵn trong ao phát triển, cạnh tranh với tảo.
Bà con thường ủ vi sinh với mật đường để giúp xử lý nguồn nước ao nuôi, tùy vào từng loại men vi sinh mà liều lượng mật rỉ đường để ủ cũng như khác nhau. Thông thường quá trình ủ sẽ diễn ra từ 3 – 6 giờ và sục khí liên tục, sau đó sẽ tạt đều dung dịch đã ủ xuống ao để tiến hành xử lý nước. Việc này sẽ tăng cường đề kháng, hạn chế dịch bệnh hiệu quả nhưng lại tiết kiệm được chi phí và thân thiện với môi trường.
Ngoài ra còn có các công dụng như gây màu nước (Màu lá trà xanh, đọt chuối hoặc vàng nâu tùy vào môi trường ao nuôi) và giúp xử lý bùn bã đáy ao.
Như bà con đã biết, EM gốc được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, EM gốc không thể dùng ngay được mà cần phải trải qua quá trình tăng sinh khối với 1 môi trường nhất định để tạo ra loại EM thứ cấp phù hợp với nhu cầu sử dụng của bà con. Một số dòng EM thứ cấp đang thông dụng hiện nay gồm EM2, EM rượu (EM5), EM tỏi, EM chuối, EM thảo mộc, EM thảo dược…
Dòng EM2 có tác dụng sẽ giúp phân giải các chất hữu cơ, diệt khuẩn, làm sạch môi trường ao nuôi và giúp tôm tăng trưởng nhanh. Bà con nuôi tôm thường sử dụng EM2 trong suốt vụ nuôi.
* Nguyên liệu cần chuẩn bị:
– EM gốc: 1 lít
– Mật rỉ đường: 2 lít
– Nước sạch: 37 lít
– Có thể bổ sung thêm 2kg cám gạo hoặc bột ngô
* Cách ủ:
– Cho tất cả nguyên liệu vào thùng chứa đã được diệt khuẩn, sau đó khuấy đều và tiến hành ủ yếm khí (Đậy nắp kín) từ 5 – 7 ngày. Nếu thấy dung dịch có mùi thơm và có váng nổi lên sẽ thu được 40 lít Chế phẩm EM2.
* Cách sử dụng:
– Làm sạch đáy ao: Sử dụng từ 10 – 20 lít EM2 sẽ xử lý 1.000m2 đáy ao.
– Dùng định kỳ cho môi trường ao nuôi: Sử dụng 50 lít EM2 cho 1.000m3 nước (Dùng 5 – 7 ngày/lần cho tháng nuôi đầu tiên ; Dùng 3 – 5 ngày/lần cho tháng thứ 2 ; Dùng 2 – 3 ngày/lần cho đến hết mùa vụ)
Ủ vi sinh với mật đường sẽ giúp bà con tạo ra EM rượu (EM5) dùng để xử lý đáy ao và nước khi nuôi tôm. Vì vậy mà tôm có thể tăng trưởng tốt, hạn chế được nhiều tác nhân gây bệnh như nấm, ký sinh trùng… bám trên tôm.
* Nguyên liệu cần chuẩn bị:
– EM gốc: 1 lít
– Mật rỉ đường: 1 lít
– Rượu 40-500: 1 lít
– Giấm ăn: 1 -2 lít
* Cách ủ:
Cho tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị vào thùng chứa đã được vô trùng và khuấy đều, sau đó đậy nắp kín để bắt đầu ủ yếm khí từ 2 -3 ngày
* Cách sử dụng:
– Xử lý đáy ao: Sử dụng 5 lít EM5 giúp xử lý 1.000m2 đáy ao.
– Xử lý môi trường nước ao nuôi: Sử dụng 4 lít EM5 giúp xử lý từ 700 – 1.000m3 nước ao (Dùng định kỳ 7 ngày/lần và tăng dần liều lượng tùy theo độ tuổi của tôm)
Tỏi là nguyên liệu giúp kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus với hoạt tính mạnh mẽ và được dùng kết hợp với mật rỉ đường để tạo ra EM tỏi. Trong EM tỏi chứa nhiều chủng vi sinh vật có lợi giúp cải thiện hệ tiêu hóa, hấp thu tốt dinh dưỡng từ thức ăn, nâng cao hệ miễn dịch và phòng ngừa được bệnh tật.
* Nguyên liệu cần chuẩn bị:
– EM 5: 1 lít
– Tỏi xay nhuyễn: 1kg
– Mật rỉ đường: 1 lít
– Rượu: 1 lít
– Giấm ăn: 1 lít
– Nước sạch: 15 lít
* Cách ủ:
– Bà con cho tất cả nguyên liệu vào thùng chứa sạch khuẩn, sau đó đậy kín nắp để ủ yếm khí từ 2 – 3 ngày.
* Cách sử dụng:
– Mang 1 lít EM tỏi ra trộn vào 10kg thức ăn, ủ trong 1 giờ đồng hồ là có thể cho tôm ăn (Cho ăn định kỳ từ 7 – 10 ngày và cho ăn hàng ngày)
Trong trái chuối chín chứa nhiều vitamin bổ ích và hỗ trợ rất nhiều trong việc phục hồi và hấp thu dinh dưỡng của tôm. Ủ vi sinh với mật đường còn có thể tạo ra chế phẩm sinh học EM chuối. EM chuối sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ giảm stress cho tôm, giúp tôm hấp thu thức ăn tốt cũng như là giúp bà con đạt năng suất tối đa trong vụ nuôi.
* Nguyên liệu cần chuẩn bị:
– Chuối chín đã bóc vỏ và xay nhuyễn: 20kg
– EM gốc: 1 lít
– Mật rỉ đường: 1 lít
– Nước sạch: 40 lít
* Cách ủ:
– Cho tất cả nguyên liệu vào thùng chứa và khuấy đều, sau đó đậy nắp kín để ủ yếm khí từ 2 – 3 ngày.
* Cách sử dụng:
Dùng 1 lít EM chuối để trộn với 10kg thức ăn, để trong vòng 1 giờ đồng hồ và cho ăn liên tục trong suốt vụ nuôi để phòng các bệnh tật ở tôm
—->Tham khảo thêm bài viết: Tác Dụng Của EM Trong Nuôi Tôm
Có lẽ bà con đã biết được các cách ủ vi sinh kết hợp với mật rỉ đường và cách sử dụng như thế nào cho hiệu quả. Vậy tại sao mật rỉ đường lại được ưu tiên dùng để ủ kết hợp với vi sinh? Sau đây sẽ là một số ưu điểm:
– Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như đường đơn, vitamin và một số khoáng chất khác…
– Chứa nhiều chất cần thiết cho quá trình phát triển và là nguồn thức ăn ưa thích của vi sinh vật có lợi.
– Kích thích vi sinh vật phát triển mạnh mẽ, tăng mật độ vi sinh nhanh chóng và giúp bảo quản vi sinh lâu hơn.
– Mật rỉ đường dễ mua và có giá thành rẻ hơn các nguyên liệu khác.
Tóm lại, mật rỉ đường là một nguyên liệu dễ tìm và có giá thành rẻ nên việc sử dụng định kỳ sẽ mang lại hiệu quả đối với bà con nuôi tôm. Việc ủ vi sinh với mật đường cần phải đúng liều lượng và thời gian, nếu không sản phẩm có thể bị hư hỏng và nếu tiếp tục sử dụng sẽ gây hại cho tôm và ao nuôi của bà con. Cảm ơn bà con đã quan tâm và hy vọng bài viết do VFT Group chia sẻ sẽ giúp ích được cho bà con trong những vụ nuôi sắp tới.
Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Công Nghệ Thủy Sản Việt Nam
– Fanpage: https://www.facebook.com/visinhthuysanvftgroup
– Youtube: https://www.youtube.com/@VFTGroupthuysan
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vft.group.thy.sn